GỢI Ý TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG NGHE NHẠC CHO TRẺ

GỢI Ý TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG NGHE NHẠC CHO TRẺ
Hình ảnh Trẻ Nghe Nhạc Vui Vẻ Phim Hoạt Hình Trẻ Em Vẽ Tay Minh Họa Valentine PNG , Ngày Valentine Vui Vẻ, Nốt đen, Trẻ Nghe Nhạc PNG miễn phí tải

ThS. Hoàng Công Dụng – Vụ GDMN

Nghe các bài hát, bản nhạc (sau đây gọi là nghe nhạc) vốn dĩ từ trước đến nay đã được coi là một hoạt động độc lập, là một phần không thể thiếu của một tiết hoạt động giáo dục âm nhạc. Tuy nhiên, để tổ chức một tiết mà nghe nhạc là hoạt động chủ đạo thì lại là khá mới mẻ và khiến không ít giáo viên còn lúng túng khi triển khai nội dung này.
Để tổ chức hoạt động này hiệu quả, giáo viên cần thực hiện như sau:
1. Lựa chọn bài hát, bản nhạc
Việc chọn bài hát mới hay đã quen thuộc với trẻ cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu là bài hát mới, chưa hề được nghe thì trẻ sẽ có sự hứng thú, tò mò và muốn khám phá. Kết quả trên trẻ có thể thấy rõ khi triển khai thực hiện hoạt động. Tuy nhiên, giáo viên lại phải chuẩn bị nhiều hơn, công phu hơn mới có thể giúp trẻ cảm nhận được bài hát và gợi cho trẻ hiểu được nội dung của bài, cũng như phải có khả năng “vỡ bài” bằng cách xướng âm hay đánh giai điệu trên đàn. Với các bài quen thuộc thì trẻ sẽ có thể “hòa nhập” với bài ngay bằng cách hát theo, làm điệu bộ theo. Tuy nhiên, nó cũng rất dễ gây cho trẻ sự nhàm chán, mất tập trung.
– Nên chọn bài phù hợp với chủ đề, lứa tuổi và thực tế địa phương; độ dài của bài vừa phải.
– Không chọn các bài quá dài, bài có tiết tấu, giai điệu khó; bài hát có nội dung nói về chuyện yêu đương của người lớn, bạo lực …
– Lựa chọn các bài nghe trong một năm học khác nhau về nội dung, hình thức và thể loại.
2. Lựa chọn hoạt động kết hợp
Các hoạt động kết hợp nhằm hỗ trợ, bổ sung thêm cho việc tiếp cận, tìm hiểu bài hát, bản nhạc mà trẻ được nghe và giúp cho tiết hoạt động phong phú hơn. Có thể dạy cho trẻ hát chính bài các cháu vừa được nghe; tổ chức trò chơi hướng vào nội dung của bài hoặc sử dụng làm nhạc nền cho trò chơi; vận động theo bài hát, bản nhạc đó. Phần mở rộng có thể cho trẻ nghe thêm một bài hát, bản nhạc cùng thể loại, cùng vùng miền hoặc khác thể loại, khác vùng miền cho trẻ có những khái niệm so sánh ban đầu.
Giáo viên cần xác định rõ mọi hoạt động kết hợp luôn hỗ trợ cho nội dung chính là nghe nhạc. Điều này rất cần thiết bởi sẽ tránh được sự ôm đồm hàng loạt các hoạt động tản mạn và sẽ tạo được điểm nhấn trong tiết hoạt động.
3. Xây dựng hoạt động chi tiết
Với mỗi bài hát, bản nhạc cụ thể, giáo viên chọn các hình thức cho trẻ tiếp cận như cô hát, mở băng đĩa tiếng/hình, vừa hát vừa múa, vận động. Ở lứa tuổi mầm non, việc bắt trẻ ngổi ngay ngắn từ đầu đến cuối để nghe là không hợp lý bởi sức tập trung chú ý có chủ đích của trẻ có giới hạn về thời gian. Do đó, toàn bộ tiết hoạt động chỉ nên lựa chọn thời điểm thích hợp để cho trẻ nghe trọn vẹn tác phẩm khoảng 2 đến 3 lần. Còn lại, sau mỗi lần nghe hoặc thậm chí sau từng đoạn (nếu như bài hát có nhiều lời hoặc bản nhạc có độ dài đáng kể), giáo viên nên dừng lại trò chuyện với trẻ về bài, để trẻ tham gia vào những hoạt động cụ thể nào đó. Các hoạt động này đều phải có sự tính toán, chuẩn bị từ trước và có những giả thiết xử lý tình huống ngoài chuẩn bị mà có thể bất ngờ xảy ra trên lớp. Ví dụ như trong những lúc nghe giáo viên hát, xem băng hình, nghe đàn, chơi trò chơi trên lớp, trên máy tính thì trẻ có thể rất hứng thú với việc xem giáo viên vừa hát vừa biểu diễn và chạy lên cùng múa hát với giáo viên. Lúc đó giáo viên sẽ phải dành thời gian cho hoạt động đó nhiều hơn so với giáo án đề ra và có thể giảm thời gian hay cắt bớt đi hoạt động khác; đồng thời mở rộng hình thức đó như thị phạm cho trẻ làm theo các động tác, rồi cùng hát theo v.v…
4. Tổ chức cho trẻ nghe nhạc
Việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi cho trẻ nghe nhạc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ cảm nhận được bài tốt hơn. Lớp học được trang trí một vài thứ khác với mọi ngày, có một vài đồ dùng, vật dụng, tranh ảnh phác họa nội dung bài; giáo viên mặc trang phục phù hợp nếu có thể.
Trong quá trình cho trẻ nghe nhạc, tất cả các hoạt động đều phải được triển khai một cách liên hoàn, nhịp nhàng và linh hoạt. Giữa mỗi hoạt động nhỏ cần có sự liên kết hợp lý tránh nhàm chán, đơn điệu, tẻ nhạt. Ví dụ sau khi cô hát cho trẻ nghe 1-2 lần, giáo viên cho trẻ đọc lời ca của bài hát, rồi hỏi về nội dung bài, cho trẻ tự đặt tên bài, cho nghe lại, tiếp đến trò chơi, rồi nghe lại bài theo hình thức khác.
Tất cả các hình thức thể hiện đều phải để âm lượng vừa phải, không quá to, không quá nhỏ. Khi giáo viên biểu diễn cần có khoảng cách không gian nhất định giữa giáo viên và trẻ để trẻ đủ tầm quan sát các động tác, cử chỉ, nét mặt của giáo viên.
Khi trẻ nghe nhạc từ băng, đĩa cũng như từ cô biểu diễn, giáo viên luôn quan sát, chú ý thái độ của trẻ, hướng trẻ vào bài, cùng trẻ vận động, múa hát theo nếu trẻ muốn cùng tham gia. Nếu nhiều trẻ miễn cưỡng nghe hoặc bỏ ra khỏi vị trí, giáo viên có thể chuyển đổi sang hình thức khác chứ không nhất thiết phải cho nghe đủ số lần, như đã chuẩn bị.